0939.13.13.16     luattovang@gmail.com

Chung sống như vợ chồng có được chia thừa kế?

Chung sống như vợ chồng có được chia thừa kế không là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 không công nhận quan hệ vợ chồng khi nam và nữ không đăng ký kết hôn theo quy định. Tuy nhiên, trong các trường hợp đặc biệt, quan hệ hôn nhân vẫn được nhà nước công nhận hôn nhân thực tế, và người sống chung như vợ chồng vẫn có thể được hưởng chia tài sản thừa kế.

Quy định về sống chung như vợ chồng

Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Những người sống chung như vợ chồng thường có hoạt động cùng sinh hoạt như một gia đình, có thể có con chung hoặc không, các mối quan hệ này đều không có đăng ký kết hôn, thường thấy ở nhiều dạng chung sống như: giữa những người giới tính thứ ba, các cặp đôi nam nữ cùng sống thử…

Trường hợp sống chung như vợ chồng được công nhận hôn nhân thực tế

Mặc dù ở thời điểm hiện tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đang có hiệu lực thi hành, tuy nhiên quy định tại Mục 3 Nghị quyết 35/2000/NQ vẫn còn được tiếp tục thực hiện, quy định này nhằm ghi nhận những trường hợp ngoại lệ trong quan hệ hôn nhân trước đây, dù không có đăng ký kết hôn nhưng vẫn được công nhận là hôn nhân thực tế.

Quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987

+ Thời điểm này, Luật Hôn nhân và gia đình 1986 có hiệu lực.

+ Trường hợp nam, nữ chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn.

+ Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết ly hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2000.

Quan hệ vợ chồng được xác lập từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001

+ Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, mà có đủ điều kiện kết hôn thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn 02 năm cho đến ngày 01/01/2003;

+ Trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.

+ Từ sau 01/01/2003 nếu không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận quan hệ vợ chồng.

Quan hệ vợ chồng được xác lập từ ngày 01/01/2001 trở đi

+ Trừ các trường hợp nêu trên, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận;

+ Nếu có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng;

+ Nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Tòa giải quyết theo khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.

Hệ quả pháp lý khi chung sống mà không đăng ký kết hôn

Có thể thấy, việc sống chung với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn sẽ đồng nghĩa với việc hôn nhân của họ không được pháp luật bảo vệ. Đồng thời sẽ không làm phát sinh quan hệ quyền và nghĩa vụ như vợ chồng bình thường.

Căn cứ tại Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

+ Đối với quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

+ Đối với quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn do các bên thỏa thuận giải quyết, trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định pháp luật. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người phụ nữ và con.

(Điều 14, 15, 16 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)

Chia thừa kế khi chung sống như vợ chồng

Như đã đề cập ở phần trên, đối với các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng, không có đăng ký kết hôn, pháp luật không công nhận quan hệ vợ chồng thì người chung sống với nhau như vợ chồng chỉ được hưởng thừa kế khi người đã mất có để lại di chúc.

Ngoài ra đối tượng này không nằm trong các quy định của hàng thừa kế khi thừa kế theo pháp luật.

(Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015)

Thủ tục yêu cầu chia tài sản khi xảy ra tranh chấp

Khi người mất để lại di chúc thì người chung sống như vợ chồng với người mất vẫn sẽ được hưởng thừa kế sau khi làm thủ tục khai nhận di sản theo quy định tại Điều 58 Luật Công chứng năm 2014 và Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP.

Trường hợp xảy ra tranh chấp sẽ tiến hành giải quyết theo thủ tục dưới đây:

Hồ sơ

+ Đơn yêu cầu chia di sản thừa kế: Mẫu đơn số 23-DS theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP

+ Bản sao giấy tờ tùy thân CMND/CCCD của người khởi kiện.

+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế (các tài liệu về khai tử)

+ Di chúc (nếu có);

+ Các tài liệu chứng minh về tài sản là di sản thừa kế có liên quan.

Thủ tục

Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu tại Tòa án có thẩm quyền.

Gửi hồ sơ yêu cầu đến Tòa án theo các phương thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, nộp trực tuyến

Bước 2: Nếu xét thấy hồ sơ đầy đủ, đúng thẩm quyền, Tòa ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí

Bước 3: Sau khi đóng tạm ứng án phí, nộp lại biên lai cho Tòa

Bước 4: Tòa ra thông báo thụ lý và tiến hành giải quyết vụ án theo pháp luật tố tụng dân sự

(Điều 190, 191, 192, 193, 194, 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)

Hãy liên hệ với Luật Tô Vàng ngay bây giờ để trò chuyện với luật sư của chúng tôi nếu các thông tin trên chưa giải đáp được vấn đề của quý khách đang gặp phải. Chúng tôi sẽ lắng nghe những vấn đề pháp lý mà quý khách hàng đang đối mặt và cung cấp những lời khuyên đáng tin cậy và chính xác. Luật Tô Vàng - Luật sư Cần Thơ - Dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp.